Cách điều trị ho cho người lớn
Nguyên nhân và cách điều trị ho cho người lớn,người cao tuổi.
Ho một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ ho, biểu hiện bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Ho khan:
Ho khan không có triệu chứng nào khác hơn là chính triệu chứng ho, bệnh nhân thường cảm thấy vẫn khoẻ, không có nặng ngực và khó thở.
Ho khan là ho không có đàm và thường gây ngứa họng, loại ho này có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng
Ho có đờm:
Ho có đờm là ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhày hoặc đờm. Ho có đờm thường là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm xoang hay ngạt mũi… Người bệnh thường có cảm giác nặng ngực, khó thở và mệt.
Các nguyên nhân gây ho
Các nguyên nhân thường gặp là viêm mũi, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí-p hế quản, viêm phổi, dị vật đường thở… Nhiều bệnh nhân còn phàn nàn rằng họ bị ho mỗi khi thời tiết thay đổi.
– Triệu chứng ho thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4 sau khi sốt do hiện tượng tích đọng dịch tiết của niêm mạc đường hô hấp. Việc điều trị thuốc làm long dịch và giảm tiết là cần thiết. Ho khỏi dần sau 2-3 tuần. Một số trường hợp cho dù uống thuốc ho hay không thì bệnh nhân vẫn cứ bớt dần sau 1 tuần.
– Đối với ho cấp tính, nguyên nhân hay gặp nhất là: cảm cúm, viêm xoang cấp, ho gà, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm mũi do dị ứng hay không do dị ứng…
– Ho bán cấp, thường là ho sau nhiễm khuẩn, viêm xoang cấp, hen phế quản.
– Ho mạn tính có thể do những nguyên nhân như: chảy mũi sau, hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, do thuốc như thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp, bệnh phổi mô kẽ, lao phổi, áp-xe phổi, ung thư, hút thuốc lá… Một bệnh nhân ho mạn tính, nếu không hút thuốc, không dùng thuốc ức chế men chuyển và phim Xquang phổi bình thường thì có đến 90% trường hợp là do chảy mũi sau, hen phế quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
Nguyên nhân ho ở người lớn
Ở người trưởng thành, ho kéo dài chủ yếu là do viêm phế quản mạn tính, trong đó hay gặp nhất là người hút thuốc lá, thuốc lào (người nghiện thuốc lá, thuốc lào thì đường hô hấp luôn luôn bị viêm mạn tính).
Một nguyên nhân mà người cao tuổi hay gặp do ho kéo dài là hen suyễn (còn gọi là bệnh suyễn), đặc biệt là hen suyễn mạn tính. Ho ở người cao tuổ do hen suyễn mạn tính thường có đờm lỏng hoặc đặc cho nên khi ho có tiếng lọc xọc như người hút thuốc lào. Nếu điều trị cắt được cơn hen, người bệnh sẽ giảm hoặc hết cơn ho.
Một nguyên nhân gây ho ở người cao tuổi mà dễ bỏ sót là bệnh trào ngược dạ dày- thực quản. Đây là một hội chứng gồm nhiều triệu chứng như đau rát sau xương ức, ợ chua, đầy hơi và ho kéo dài. Trong bệnh trào ngược thực quản có những trường hợp chỉ ho kéo dài mà ít có biểu hiện gì khác. Ho trong trào ngược dạ dày – thực quản là do dịch vị trào ngược từ dạ dày lên gây kích thích niêm mạc đường hô hấp và làm tổn thương do tác động của dịch vị dạ dày. Trong trường hợp này nếu phát hiện sớm và điều trị đúng và hết bệnh trào ngược dạ dày – thực quản cũng đồng nghĩa với hết cơn ho. Thực ra ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiện nay còn bỏ sót nhiều nhất là các tuyến cơ sở, bởi vì khi thấy ho cứ tưởng là viêm đường hô hấp (họng hay phế quản).
Một số bệnh thuộc viêm đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, khí phế thũng, tâm phế mạn cũng gây nên cơn ho, nhất là ho của bệnh giãn phế quản ở người cao tuổi thường xảy ra vào nửa đêm, gần sáng.
Đối với đường hô hấp ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây ho kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Đây là một bệnh bao gồm khí phế thũng kèm theo viêm phế quản mạn tính gây nên ho kéo dài làm cho người bệnh bị thiếu oxy mạn tính. Ngoài ra có một số bệnh tuy gặp ít hơn nhưng cũng gây ho kéo dài như trong bệnh suy tim, nhất là suy tim nặng do ứ máu ở phổi lâu ngày hoặc ho gặp ở một số người dùng thuốc hạ huyết áp loại thuốc ức chế men chuyển ví dụ như ednyt, renitec, coversyl…
Ho do dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp nếu người bệnh không được tư vấn trước thì đôi khi người bệnh đi khám hết bệnh viện này sang bệnh viện khác mà bệnh cũng không khỏi, bởi vì nếu được tư vấn trước khi dùng thuốc hạ áp thuộc nhóm ức chế men chuyển thì có thể bị ho khan. Nếu ho kéo dài mà do dùng thuốc thì đơn giản nhất là ngừng dùng thuốc thì sẽ hết cơn ho không phải dùng bất cứ thứ thuốc gì. Đáng lưu tâm nhất là ho khi phát hiện bị lao phổi, tràn dịch màng phổi, đôi khi ho kèm theo có đờm lẫn máu (bởi vì không phải bất kỳ người nào bị lao phổi cũng gây ho mà chỉ có một tỉ lệ nhất định nào đó có ho mà thôi). Đáng lo ngại nhất là ho khi có u ở phổi, đặc biệt là người cao tuổi. Có nhiều loại gây u phổi và cũng có nhiều loại u lành tính hoặc không nguy hiểm như áp-xe phổi do vi khuẩn (áp-xe do tụ cầu) hoặc ký sinh trùng nhưng đáng lo ngại hơn cả là ung thư phổi.
Phòng bệnh ho
– Tránh ở trong môi trường khô và lạnh
– Tránh các yếu tố gây kích thích họng như khói thuốc lá. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào bởi vì hút thuốc là nguyên nhân hay gặp nhất trong các bệnh của đường hô hấp. Khi bị viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản mạn tính cũng không nên uống nước lạnh, nhất là nước đá, bởi vì niêm mạc họng rất nhạy cảm với lạnh. Nếu bị bệnh tăng huyết áp mà bác sĩ đã có chỉ định điều trị nhưng khi dùng thuốc thấy bị rát cổ, ho, nhất là ho khan thì cần báo cho bác sĩ biết để thay đổi thuốc cho phù hợp.
Điều trị ho
– Nếu ho là triệu chứng của các chứng bệnh như bệnh hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, ung thư phổi, hồi lưu thực quản,.. cần phải điều trị nguyên nhân các bệnh trên.
– Trong trường hợp ho khan không xác định rõ nguyên nhân hoặc điều trị chuyên biệt không giúp giảm ho, việc điều trị giảm ho có thể có ích.
Các thuốc trị ho khan:
– Pholcodine và dextromethorphan là các hoạt chất thường được dùng như thuốc ức chế ho và được xem là có ít tác dụng phụ hơn các dẫn xuất á phiệt khác, như codein, nên được dùng khá rộng rãi
– Các thuốc trị ho có chứa dẫn xuất á phiệt như codeine tác động bằng cách ức chế trực tiếp trung tâm ho ở não. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm an thần, lệ thuộc thuốc và táo bón
– Các thuốc trị ho khác có tác động trung ương nhưng không là dẫn xuất của á phiệt. Nhóm này bao gồm butamyrate citrate, clobutinol, pentoxyverine và sodium dibunate
– Pipazethate là thuốc ức chế ho vừa trung ương và ngoại biên
– Levodropropizine là thuốc ức chế ho ngoại biên
Các thuốc phối hợp:
- Các chế phẩm này, ngoài các hoạt chất giảm ho, còn có hoạt chất kháng histamin. Sự phối hợp các thuốc này tạo ra những tác động hiệp đồng nhằm chủ yếu tác động đến các thụ thể cholinergic và trung khu ho.
- Tránh dùng các thuốc phối hợp có chứa long đàm hoặc một chất giảm nghẹt mũi – chỉ được sử dụng chúng khi có hiện tượng nghẹt mũi. Các chế phẩm có chứa chất giảm nghẹt mũi có thể gây mất ngủ và bồn chồn
Thuốc ngậm:
- Thuốc ngậm giảm ho có thể chứa nhiều hợp chất thuộc các thành phần khác nhau như chất kháng khuẩn, giảm đau, kháng viêm hoặc thuốc tê.
- Thuốc ngậm có ưu điểm là thời gian tiếp xúc lâu hơn nhưng cần phải kiểm tra thành phần đường có trong thuốc, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường.
Thuốc long đờm:
(ammonium chlorid, terpin benzoat…). Thuốc có tác dụng làm loãng đờm giúp dễ khạc đờm ra ngoài. Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ gây buồn nôn, nôn, kích ứng dạ dày…
Thuốc làm tan đờm
(acetylcystein, cystein, carbocystein, bromhexin…): thường được dùng khi đờm đặc, quánh. Thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm tạo điều kiện dễ khạc đờm ra ngoài. Tuy nhiên đối với người loét dạ dày – tá tràng cần thận trọng khi dùng nhóm thuốc này. Thuốc cũng có thể gây buồn nôn, nôn và làm tắc nghẽn phế quản ở người không có khả năng tự tống đờm ra ngoài như người già, người có phản xạ ho giảm… (vì đờm không khạc được ra ngoài có thể gây ứ đọng làm tắc đường hô hấp)
Một vài lưu ý khi dùng thuốc điều trị ho có đờm:
- Không nên dùng chất ức chế ho trong trường hợp ho có đờm vì chúng sẽ làm tích tụ chất đờm trong phổi tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Không dùng phối hợp một thuốc giảm ho với một thuốc làm long đờm. Do tác dụng ức chế ho nên thuốc giảm ho gây khó khăn cho mục đích của thuốc long đờm. Nên tránh dùng các thuốc ho phối hợp giữa chất chống ho và chất long đờm.
- Không nên dùng các thuốc kháng histamin vì chúng có khuynh hướng làm khô đờm và làm đờm đọng lại trong phổi có thể gây ho kéo dài và làm cho bệnh trầm trọng hơn.
- Cần uống nhiều nước mỗi ngày, tránh hút thuốc, tránh bụi và môi trường lạnh khô, tránh uống rượu, cà phê… Việc xông hơi nóng cũng có thể giúp làm loãng đờm và dễ khạc đờm. Ngoài ra có thể điều trị hỗ trợ bằng việc dùng mật ong, tỏi, uống thêm nước chanh hoặc vitamin C.
- Thuốc long đờm và tiêu đờm không nên dùng vào buổi tối vì khi ngủ, hoạt động của nhung mao ở niêm mạc phế quản sẽ giảm đi dễ gây ứ đọng đờm trong phổi.
- Không dùng thuốc ho quá 5 ngày, nếu còn tiếp tục ho đừng nên tự ý tăng liều, dùng thêm một loại thuốc ho khác hoặc đổi thuốc ho mà bạn cần phải đi khám bệnh lại.
- Thuốc ho không thể thay thế thuốc điều trị bệnh chính gây ho, trái lại có thể che mất triệu chứng của bệnh. Vì vậy chỉ dùng khi thật sự cần như ho nhiều làm khó chịu hay có nguy cơ gây biến chứng
Điều trị ho hen
- Các thuốc ho có nguồn gốc thảo dược.
Bài thuốc đông y chữa trị ho cho người lớn được sản xuất ứng dụng từ bài thuốc Ma Hoàng gia cát cánh thang ( Theo Thuốc Nam Thuốc Bắc và các phương thang chữa trị bệnh – Trang 113) có tác dụng phát tán phong hàn, giải cảm hàn, thông phế chỉ khái thông thoáng đường thở hỗ trợ điều trị ho cho người lớn .
Nguồn: Sưu tầm bởi Dược phẩm PQA
Để biết thêm thông tin về phương pháp điều trị bệnh, xin vui lòng liên hệ Chuyên gia tư vấn và chăm sóc sức khỏe
Văn Phòng Tư Vấn PQA:
0228.86.23456 (Hotline 24/7)
Chuyên Gia Tư Vấn:0904.032.499 – 0964.247.599
Chat Zalo với Chuyên gia
Chat facebook với Chuyên gia